Ở phong cách thiết kế này, yếu tố “cá tính” được đặt lên hàng đầu. Thế nên, dù có phơi bày hết mọi vẻ đẹp chân thực của vật liệu và các thành tố cấu thành không gian nhưng phong cách này lại không có khuôn mẫu cố định nào cho cách thức tiến hành. Tất cả tùy thuộc vào các đặc điểm sẵn có của từng công trình cụ thể, tính cách gia chủ và sự sáng tạo của người thiết kế
Cũng từ tinh thần nhà xưởng – vốn yêu cầu cao về sự thuận tiện, nhanh chóng trong bảo trì, sửa chữa – mọi hệ thống kỹ thuật (điện, nước,…) hầu như đều để “lộ thiên”. Cùng với hệ thống ống dẫn kỹ thuật, kết cấu đà, dầm trở thành điểm nhấn cho trần nhà. Chiếu sáng theo lối công nghiệp được ưu tiên lựa chọn cùng các vật liệu chủ đạo như tường gạch trần, sàn xi măng, gỗ thô hoặc gỗ tái sử dụng, kim loại, và bê tông trần.
Tông màu tối, vẻ nam tính và “độc” trở thành đặc điểm nhận diện của những không gian nội thất mang phong cách Industrial. Gỗ cũ, kim loại sơn đen, hiệu ứng sáng – tối rõ nét giữa các khu vực trong công trình và vật dụng có hình khối chắc khỏe thường được áp dụng triệt để.
Một tổ ấm mạnh mẽ mà không kém phần lãng mạn của Industrial style hẳn sẽ có nhiều hấp lực đối với những chủ nhân trẻ thích khác biệt. Thêm một yếu tố thuận lợi, công việc décor cho những không gian này thường không quá thử thách bởi “vùng phù hợp” của Industrial style khá rộng. Có thể sử dụng đồ trang trí thuộc phong cách Rustic hiện đại, hay các món đồ cổ, cho tới những vật phẩm nội thất có thiết kế mang tính thời thượng, tùy theo cảm hứng của chủ nhà và tư vấn của người thiết kế.
Tuy nhiên, để bảo đảm cho một phong cách Industrial đúng nghĩa, mọi chuyện lại có vẻ phức tạp hơn vẻ ngoài đơn giản của không gian này.
Đầu tiên là về thi công phần thô. Những bức tường gạch thô và bê tông trần luôn gây hiệu ứng bắt mắt. Tuy nhiên, ngoài vấn đề phải xử lý để giảm tích tụ bụi về sau, những mảng tường, trần này cũng đòi hỏi nhiều sự chăm sóc hơn hẳn. Vì các chi tiết đều sẽ “phô” ra nên mọi phần lệch, vênh của gạch khi xây tường sẽ hiện rõ và là yếu tố không thể nào thay đổi được. Bê tông trần vốn là một vật liệu độc đáo, nhưng để có được những bề mặt hoàn hảo cần phải có kỹ thuật cao. Không chỉ ở tay nghề của thợ thi công, hệ thống ván khuôn phải có chất lượng tốt, cần tính toán tỉ mỉ theo mạch ngưng khi thi công và chất lượng bê tông phải chuẩn.
Thêm nữa là khâu hoàn thiện, việc tổ chức các hệ thống ống điện – nước ở trần nhà cũng là một bài toán hóc búa. Vừa phải tổ hợp, phân tách sao cho hợp lý và thuận tiện về công năng, vừa phải chú ý đến kích thước, tỷ lệ và thẩm mỹ trong tạo hình cho hệ thống này. Ai cũng biết rằng “xấu che, tốt khoe”, do đó, nếu không kỹ lưỡng thì “view” nhìn của gia chủ mỗi khi ngước lên trần sẽ chẳng có gì khác ngoài một mạng rối nùi và phi lý!
Tất nhiên, không thể yêu cầu mọi gia chủ đều phải nắm vững về kỹ thuật thi công. Nhưng những hiểu biết đơn giản cần thiết sẽ giúp hình dung về không gian tốt hơn, cũng như việc “hiểu nhau” giữa các bên có liên quan dễ dàng hơn. Từ đó, một tổ ấm cá tính và “chất” với phong cách Industrial sẽ càng như ý muốn.
Designed by vietline interior design
project : KM HOUSE
Size :300m2
Location : Q8,hcm city
Web : vietlineinteriordesign.com
☎️ : 0907 750 040
📭 : giaviettruong@gmail.com
……………………………………………….